Tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em trong dịp hè

Mùa hè đến, khi học sinh tạm chia tay trường lớp cũng là lúc các bậc phụ huynh canh cánh nỗi lo quản lý con em trong dịp hè. Làm thế nào để các em có một kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú sau một năm học căng thẳng, lại tránh được những tai nạn thương tích đáng tiếc có thể xảy ra là điều băn khoăn, lo lắng của không ít bậc phụ huynh.

Bước vào kỳ nghỉ hè, đều đặn một tuần ba buổi, em Hoàng Minh Vũ, 11 tuổi, phường Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội), lại được bố mẹ đưa đến học lớp bóng đá nghệ thuật tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Tại đây, Vũ và gần 20 bạn cùng lớp được các giảng viên huấn luyện từ kỹ thuật chơi bóng cho tới những lý thuyết về lịch sử bóng đá quốc tế, Việt Nam. “Nghỉ hè, được chơi bóng là thỏa niềm đam mê của em. Không chỉ rèn luyện sức khỏe, qua đây sẽ giúp em có thêm kỹ năng chơi bóng và hiểu thêm lịch sử của môn thể thao vua này”, Vũ chia sẻ. Hiện nay, cùng với bóng đá, Cung Thiếu nhi Hà Nội còn tổ chức hàng chục môn học khác thu hút hơn hai nghìn thanh, thiếu niên, nhi đồng tham gia, nhằm tạo sân chơi bổ ích, an toàn trong dịp hè, giúp các em phát triển toàn diện về trí, đức, thể, mỹ.

Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội Lê Quang Tuấn cho biết: Có bề dày qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã trở thành “cánh chim đầu đàn” trong cả nước về giáo dục ngoài nhà trường cho thiếu nhi. Với tình yêu trẻ, mong muốn mang đến cho các em niềm vui, say mê sau mỗi ngày trên lớp, các anh, chị phụ trách đã dày công chọn lọc nội dung, xây dựng chương trình phù hợp tuổi thơ. Qua sàng lọc và thử nghiệm chất lượng, hiện nay, Cung Thiếu nhi đã tổ chức giảng dạy nhiều bộ môn thuộc lĩnh vực: Nghệ thuật, Mỹ thuật, Thể dục thể thao, Giáo dục Tổng hợp, Ngoại ngữ, Kỹ thuật công nghệ. Trong đó, nhiều môn mang tính bổ trợ cho việc học ở trường như: Văn, Toán, Tin học, Ngoại ngữ… Nhưng với cách tiếp cận “học mà chơi, chơi mà học”, nhiều môn được thiết kế góp phần định hướng thẩm mỹ, khuyến khích tư duy sáng tạo như: hội họa, âm nhạc, thiết kế, trình diễn thời trang; rèn luyện thể lực như: bóng chuyền, bóng bàn, võ thuật, thể dục nhịp điệu… Để đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhu cầu ngày càng cao của thiếu nhi, Cung Thiếu nhi còn mở thêm nhiều bộ môn mới như bơi lội, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, dẫn chương trình, viết chữ đẹp, nữ công, hip-hop, chương trình tiếng Anh dành cho trẻ em. Cũng theo Phó Giám đốc Lê Quang Tuấn, trước khi năm học kết thúc, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho các lớp, các môn học được các em thiếu nhi yêu thích.

Việc tổ chức đa dạng các lớp học hè tại Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tạo sân chơi hấp dẫn, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Các bậc phụ huynh có thể yên tâm khi con em mình theo học. Chị Nguyễn Thị Lan ở quận Ba Đình chia sẻ: “Nhằm giúp các con có thời gian thư thái sau một năm học, tôi đưa con đến đây không chỉ vui chơi, mà còn trang bị cho các cháu một số kỹ năng cần thiết để hoàn thiện mình hơn”. Tại TP Hà Nội, hiện nay, cùng với Cung Thiếu nhi, các trung tâm đào tạo thanh nhạc, vẽ, hay các bể bơi cũng triển khai nhiều hoạt động hè thiết thực cho học sinh. Một số đơn vị còn phối hợp tổ chức chương trình: Trại hè, Học kỳ quân đội… cho các em học sinh tùy theo độ tuổi. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa giáo dục bổ ích giúp cho trẻ từng bước hoàn thiện kỹ năng sống.

Tuy nhiên, trên thực tế, những “sân chơi” và các hoạt động thật sự lành mạnh, bổ ích, phù hợp lứa tuổi của trẻ em như nêu trên chỉ chủ yếu tập trung ở các khu vực trung tâm thành phố. Tại các quận, huyện ngoại thành Hà Nội, trẻ em vẫn thiếu nơi giải trí, vui chơi học tập. Anh Bùi Văn Tiến, cán bộ đoàn của huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết: “Tại các vùng ven Hà Nội, hoạt động hè chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, hoạt động chiếu lệ. Vì vậy, trẻ em chỉ có thể chơi trong khu dân cư thôn, xóm, quanh quẩn với các trò thả diều, nhảy dây, bắn bi, hoặc rủ nhau ra sông tắm”. Do thiếu sự quản lý của gia đình, nhiều em sa đà vào các trò chơi điện tử hoặc chơi các trò chơi nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng như tắm sông, trèo cây. Thiếu nơi vui chơi, giải trí là một trong những lý do dẫn đến một bộ phận trẻ em hư hỏng, tụ tập đánh nhau, hoặc say mê trò chơi điện tử quên ăn, quên học…

Theo thống kê của Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ tử vong do đuối nước, phần lớn tai nạn xảy vào mùa hè. Từ đầu mùa hè năm 2016 đến nay, cả nước đã xảy ra hàng chục vụ trẻ em bị đuối nước. Mới đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã liên tiếp xảy ra hai vụ, cướp đi sinh mạng của năm học sinh.

Để từng bước giải bài toán sân chơi cho trẻ em trong dịp hè, cùng với việc phát huy thế mạnh của Cung Thiếu nhi Hà Nội trong việc mở rộng và đa dạng hóa các lớp học nhằm thu hút, đáp ứng nhu cầu nhiều hơn nữa số lượng các em thiếu nhi tham gia vui chơi, học tập, ở mỗi quận, huyện cần sớm có kế hoạch duy tu, tôn tạo, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, thân thiện đối với trẻ. Các cấp chính quyền, các đoàn thể cần tạo ra những sân chơi giải trí lành mạnh cho các em, như các môn thể thao, xây dựng các tủ sách đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, giải trí của các em; đồng thời tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ, cắm trại, thăm các di tích lịch sử… Hơn ai hết, các bậc phụ huynh cần làm tốt công tác quản lý con em mình, tránh để trẻ sa đà vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh, những trò chơi nguy hiểm, ảnh hưởng xấu sức khỏe cũng như sự phát triển tâm hồn và trí tuệ của trẻ em, đồng thời giảm nguy cơ thương tích từ những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Hiện nay, hầu như địa phương nào cũng có nhà văn hóa. Song thực tế, không ít nhà văn hóa được xây dựng khang trang, nhưng chủ yếu lại để phục vụ hội họp, sinh hoạt của khu dân cư, còn hoạt động cho thiếu nhi rất ít, vì không có đồ chơi, dụng cụ, sách báo…

LÊ QUANG TUẤN

Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội

Đoàn Thanh niên, nhất là cấp cơ sở, cần thể hiện rõ vai trò trong việc tổ chức các hoạt động hè sôi nổi, hấp dẫn, đa dạng, tạo dựng những sân chơi bổ ích, an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em đều có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục toàn diện…

HƯƠNG LAN

Giáo viên, phụ trách Đoàn khu Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Trong khi nhiều điểm vui chơi công cộng bị xuống cấp, thì tại các khu chung cư, đô thị mới, tình trạng sử dụng sân chơi chung làm điểm trông giữ xe, kinh doanh, bán hàng… diễn ra phổ biến. Thiếu điểm vui chơi an toàn và lành mạnh vô hình trung đã đẩy trẻ em vào các trò chơi điện tử, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, cũng như sự phát triển toàn diện của các em.

NGUYỄN VĂN TRUNG

(Phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội)

KIM OANH(Báo Nhân dân)