Thiếu sân chơi cho học sinh Thủ đô

Nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đang thiếu sân chơi trầm trọng, bởi xây dựng trường trên diện tích nhỏ hẹp, hoặc khoảng không bị nhà trường tận dụng xây phòng học do trường ngày càng đông học sinh. Việc vận động, vui chơi ngoài trời của học sinh rất hạn chế khiến các em, ngoài giờ học căng thẳng trong lớp, đến giờ ra chơi cũng phải chen chúc trong những mảnh sân nhỏ, thậm chí là tự chơi trên lớp.

Nhu cầu vui chơi là một nhu cầu tất yếu của các em học sinh nhất là học sinh tiểu học và trung học. Đang ở lứa tuổi hiếu động, trẻ rất cần không gian thóang đãng, rộng rãi để đáp ứng nhu cầu phát triển thể chất. Tuy nhiên, Hà Nội vốn là thành phố “đất chật người đông”, do vậy diện tích đất sử dụng cho ngành giáo dục cũng bị hạn chế. Đã vậy, trong xây dựng, các trường cũng hết sức tiết kiệm , thậm chí nhiều trường còn tận dụng phần đất dành cho vui chơi và luyện tập thể dục thể thao của học sinh để xây thêm phòng học. Chủ yếu các trường chỉ tập trung xây dựng phát triển, các dãy nhà, lớp học, phòng chức năng, thậm chí cả nhà ăn cho giáo viên để mở trường học. Vì vậy, nhu cầu thiết yếu để phát triển tâm sinh lý và thể lực của học sinh cũng không thể đáp ứng.
 
Trường tiểu học Bà Triệu trên đường Tô Hiến Thành thậm chí không có sân chơi. Vỉa hè chật chội trước cổng trường được tận dụng làm sân tập thể dục cho các em
 
Đơn cử, trường trường Tiểu học Bà Triệu được xây dựng với duy nhất khối nhà tầng, hoàn toàn không có sân, bãi tập dành cho học sinh. Do vậy, mọi hoạt động như chào cờ đầu tuần, tập thể dục của các em đều diễn ra dưới lòng đường. Thậm chí, mỗi khi trường có hoạt động tập thể nào, cả tuyến phố phải cấm đường để tạo điều kiện cho các em học sinh.
 
Sân chơi, sân tập cho các em là vỉa hè chỉ rộng khoảng hơn 1m, ngay sát con đường chật chội, đông đúc
 
Tương tự, trường THCS Hoàn Kiếm cũng thiếu sân chơi cho học sinh. Chủ yếu diện tích sân hạn hẹp dùng làm chỗ cho cán bộ nhân viên, giáo viên của trường làm khu vực để xe. Hàng ngày, các em phải ra trước bãi trống trước mặt Nhà thờ Hà Nội luyện tập, trong cảnh nhốn nháo, mất an toàn khi lượng người lưu thông trong khu vực này khá đông.
 
Khoảng sân ít ỏi còn chưa đủ để xe cho giáo viên, lấy đâu chỗ vui chơi cho học sinh
 
Giờ ra chơi, ngồi tại bàn đọc cuốn truyện tranh, em Kiên một học sinh lớp 4 trường THCS Hoàn  Kiếm cho biết, sân trường nhỏ hẹp, lại không có khu vực chơi đùa nên em và hầu hết các bạn đều chẳng buồn ra ngoài mà chỉ ngồi tại lớp đọc truyện hay đùa giỡn cùng nhau thôi.
 
Tại trường tiểu học Phan Chu Trinh, chỗ tập thể dục cho các em học sinh cũng chính là khoảng sân ít ỏi nơi để xe của giáo viên
 
Chị Hương, phụ huynh một học sinh trường này cho biết, cũng rất thương con khi đến trường mà không có không gian để vui chơi, giải lao sau mỗi giờ học căng thẳng. Tuy nhiên, vì trường gần nhà nên cho cháu học ở đây. Chị cũng khuyên con nên ở yên trong lớp, ít ra ngoài để tránh phức tạp và nguy hiểm.
 
Tình trạng trên không chỉ xuất hiện ở các trường công lập, các trường dân lập cũng tranh nhau mở trường mở lớp, nhưng vị trí lại được đặt ở các khu vực chung cư, dãy phố. Không gian trường đã kín mít, sân chơi của trẻ lại không có chẳng khác nào “đóng hộp”, nhốt chúng trong không gian “tù túng”.
 
Khoảng sân rộng trước Nhà Thờ Hà Nội được trưng dụng làm sân thể dục cho học sinh trường Trung học cơ sở Hoàn Kiếm
 
Khi trường thiếu sân chơi, mọi hoạt động của trẻ đều bị giới hạn, khiến việc phát triển thể chất bị hạn chế. Hơn nữa, khi thiếu sân chơi, các cô giáo mầm nôn thường hay cho trẻ “giải trí” bằng việc xem tivi, rất có hại cho sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Đồng thời, lại tạo cho học sinh thói quen ít vận động, dễ dẫn đến tình trạnh béo phì ở trẻ, làm tăng tính thụ động, tự kỷ trong môi trường tù túng.
 
Khuôn viên của Nhà Thờ cũng trở thành sân chơi cho các em học sinh
 
Khoảng sân bé được biến thành nơi để xe của giáo viên
 
Đây là hậu quả của việc phát triển, mở rộng thành phố không đi đôi với phát triển hạ tầng cơ sở, cộng với việc cấp phép tràn lan cho các trường của Bộ GD-ĐT. Và kết quả nhãn tiền nhìn thấy được là những đứa trẻ phải chịu học và vui chơi trong môi trường tù túng, chật hẹp. Khi người lớn nhìn ngắn, thờ ơ, vô trách nhiệm thì hậu quả chỉ có lũ trẻ phải gánh chịu. Với những thế hệ  mầm non của đất nước yếu ớt, thụ động như vậy thì tương lai xã hội sẽ ra sao, Bộ GD – ĐT có trả lời được không hay lại đổ tại lỗi chung.
(Nguồn: songmoi.vn)